Tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt 28.300 ha, sản lượng trên 215 ngàn tấn; diện tích vải sớm 6.750 ha, sản lượng 55 nghìn tấn; vải chính vụ 21.250 ha, sản lượng ước đạt 160 ngàn tấn. Diện tích sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, sản lượng khoảng 113 nghìn tấn. Vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP diện tích 102 ha, sản lượng 1.000 tấn.
Sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường trên 30 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, đã xuất khẩu được vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU, Canađa, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã triển khai xây dựng mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, quy mô diện tích 200 ha bằng công nghệ máy bay không người lái. Hỗ trợ xây dựng 03 nhà sơ chế, kho bảo quản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường xuất khẩu vải thiều, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng xây dựng kế hoạch hướng tới 3 thị trường chính là Trung Quốc, Mỹ, Úc, EU và Nhật Bản. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã rà soát cấp mới 05 mã số vùng trồng với diện tích 50 ha; nâng tổng số mã số vùng trồng năm 2022 lên 35 mã vùng trồng, diện tích 269,45 ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và thị trường khác có yêu cầu về mã số vùng trồng. Duy trì 01 cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói tại Bắc Giang, liên kết với 03 cơ sở xông hơi khử trùng ngoài tỉnh đảm bảo phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang đã triển khai mô hình sản xuất vải hữu cơ, quy mô 5,6 ha, với mục đích sản xuất ra sản phẩm quả vải có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường sinh thái được cải thiện, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, trong đó, xã Phúc Hòa huyện Tân Yên 3,0 ha, có 08 hộ tham gia, thực hiện trên cây vải sớm; Xã Giáp Sơn huyện Lục Ngạn 2,6 ha, 02 hộ tham gia trên cây vải chính vụ. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón hữu cơ sinh học Bio-Nitex, thuốc trừ bệnh alonil, catex và chế phẩm vi sinh. Năm 2021, triển khai mô hình sản xuất vải hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 7 ha, trong đó, 4 ha tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn có 3 hộ tham gia mô hình; 3 ha tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên có 2 hộ tham gia.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phòng trừ sâu bệnh hại vải thiều sản xuất theo VietGAP tại huyện Lục Ngạn. Hiện nay, Trung tâm đã khảo sát, chọn điểm, chọn hộ để triển khai sau vụ thu hoạch năm nay. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ KTNN Lục Ngạn và Tân Yên xây dựng nhiều mô hình trình diễn trên cây vải như mô hình phòng trừ sâu đục cuống trên quả vải trên diện tích 61 ha vải sớm U hồng của 149 hộ gia đình thuộc 4 thôn: Đồng Trắng, Tân Giang, An Phú 2, An Phú 3 của xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn... Thông qua các mô hình trình diễn đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất vải thiều, góp phần nâng cao trình độ thâm canh cho nông dân, lan tỏa, mở rộng diện tích vải thiều VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, nhất là vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, EU./