Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề năm 2023, ngày 9/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chủ trì tọa đàm gặp gỡ 100 nghệ nhân, thợ giỏi đại diện cho các nghệ nhân, thợ giỏi và lao động trong khu vực làng nghề trong cả nước.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của Nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận.

Từ năm 2018, khi được Chính phủ giao quản lý Nhà nước về ngành nghề, làng nghề truyền thống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung phát triển khu vực này. Đến nay, hơn 800.000 cơ sở nghề là các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nghề sản xuất đã tham gia, trong đó có hơn 13.000 doanh nghiệp, hơn 11.000 hợp tác xã và tổ hợp tác.

Ngành nghề nông thôn tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu đạt 3,3 tỷ USD.

Ông Lê Đức Thịnh khẳng định: “Làng nghề không chỉ là không gian kết tinh và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là sinh kế góp phần đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Ngày càng nhiều làng nghề đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước - con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Hạ Bá Định, một trong những nghệ nhân cao tuổi, nghệ nhân gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương cho biết, nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống bị lụi tàn. Nguyên nhân có lẽ nằm ở chỗ không có lớp thế hệ kế cận. Họ chưa thực sự tìm thấy mình ở nghề của ông cha. Ông Định bày tỏ hy vọng, các cấp, các ngành có thêm nhiều chương trình đào tạo nghề truyền thống, với đối tượng mục tiêu là thế hệ trẻ. Ông tin tưởng rằng, những nghệ nhân lão thành như bản thân còn đủ sức đóng góp cho việc bồi dưỡng này.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề Mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội chia sẻ: Để gìn giữ, phát triển nghề truyền thống đề nghị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các làng nghề và các nghệ nhân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, đồng thời tích hợp thêm nhiều giá trị cho làng nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, đội ngũ kế cận ở các làng nghề hiện nay.

Các nghệ nhân làng nghề khác cũng chia sẻ sự trăn trở gửi các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương để góp phần tháo gỡ khó khăn để phát triển làng nghề trong giai đoạn hiện nay. Các nghệ nhân mong bộ trưởng cùng các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi của các làng nghề trên cả nước được sống bằng nghề của cha ông mình, để họ được cống hiến tài năng của đôi bàn tay và trí tuệ của mình. Đồng thời cần tạo điều kiện để ngày càng có nhiều thợ giỏi trở thành nghệ nhân, đặc biệt quan tâm đến lớp thanh niên kế cận tại các làng nghề. Các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống có phát triển được hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Bảo tồn, gìn giữ, phát triển nghề truyền thống để truyền lại cho thế hệ mai sau là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn mỗi nghệ nhân, thợ giỏi cần tiếp tục trau dồi, nâng niu, trau chuốt, trân quý từng sản phẩm. Mỗi sản phẩm làng nghề phải kể được một câu chuyện mới thu hút, hấp dẫn khách hàng, từ đó phát huy, lan tỏa giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển làng nghề không chỉ làm cho làng quê sống động hơn mà còn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là nguồn sinh kế của người dân khu vực nông thôn. Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các làng nghề.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) nghiên cứu, đề xuất giải pháp để nâng cao giá trị các làng nghề, đặc biệt là những sản phẩm của nghệ nhân và thợ giỏi; đồng thời tham mưu để có một tạp chí chuyên biệt về làng nghề xuất hiện trên các chuyến bay trong nước và quốc tế. Cùng với sự chủ động của các làng nghề, Bộ NN-PTNT sẽ kết nối doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làng nghề. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi: “Làm sao để những sản phẩm ở tỉnh Hà Giang, Tây Nguyên, Đồng Tháp, Long An đều được mọi người biết đến?”.

Bộ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ cùng với các làng nghề tạo ra thị trường, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ cho những sản phẩm làng nghề. Mục đích cuối cùng là phải bán được sản phẩm của làng nghề làm ra.

HNN (mard.gov.vn)



32511