Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, sản phẩm gạo thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, khoảng 40 - 45% sản lượng xuất đi các tỉnh, TP như Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu... Tỉnh Điện Biên luôn chủ động, tích cực trong chỉ đạo sản xuất lúa, chú trọng tuyên truyền hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chủ động giám sát dịch, bệnh được tăng cường; Điều tiết nước phục vụ sản xuất; tăng cường chỉ đạo và thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp cấp bách trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất; Tiếp tục chú trọng việc kiểm soát, cung ứng giống; duy trì việc khảo nghiệm giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn tốt, phù hợp với tập quán canh tác của địa phương để đưa vào sản xuất; Liên kết sản xuất được chú trọng và đẩy mạnh phát triển. Các doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, đầu mối thu mua tiêu thụ, góp phần ổn định trên thị trường. Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiên tai diễn biến bất thuận, nắng nóng kéo dài gây hạn hán, mưa lũ, sạt lở đất… đã làm thiệt hại không nhỏ đối với sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên đã đưa ra một số giải pháp nhằm sản xuất lúa gạo có chất lượng cao như: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa, tăng thu nhập cho nông dân. Cải tạo đất trồng lúa bằng các biện pháp dân gian, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiến tiến; Tập trung tuyên truyền, vận động nông dân rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, lựa chọn giống lúa chất lượng (3-4 giống chủ lực trên một khu vực cánh đồng của xã); nguồn gốc giống sử dụng rõ ràng, phù hợp với tiểu vùng khí hậu, mở rộng liên kết sản xuất; Hướng dẫn nông dân áp dụng chương trình “ba giảm ba tăng”, IPM, SRI… nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả thâm canh, chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường; Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình liên kết sản xuất lúa cánh đồng lớn; mở rộng diện tích dồn điền đổi thửa để phát triển sản phẩm hàng hóa. Từng bước ổn định quy mô, tập trung vào nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường sản phẩm đối với các sản phẩm gạo…; Tiếp tục hỗ trợ, củng cố, nâng cao hiệu quả các vùng sản xuất lúa canh tác theo hướng VietGAP, truy xuất nguồn gốc; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lúa gạo, ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến sản phẩm quy mô lớn./