Hiện nay, diện tích trồng sen ở tỉnh Đồng Tháp hơn 1.108ha, sản lượng sen gương đến cuối tháng 10/2024 ước đạt 12.163 tấn.
Giá thành sản xuất gương sen bình quân đạt 9.204 đồng/kg, giá bán bình quân đạt 20.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân hơn 42 triệu đồng/ha.
Bình quân trồng 1ha sen lấy gương, sau 2,5 tháng sen cho thu hoạch, ước tính thu hoạch kéo dài 2,5 tháng, bình quân mỗi ha trồng sen lấy gương cho năng suất từ 6-8 tấn/ha.
Đồng Tháp có hơn 100 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm từ sen; có 56 sản phẩm sen đạt tiêu chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3-4 sao và 1 sản phẩm sen đạt OCOP 5 sao.
Giá trị sản xuất ngành hàng sen mỗi năm tỉnh Đồng Tháp thu về trên 1.900 tỷ đồng.
Ngành hàng sen là một trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp. Phát triển sản xuất cây sen gắn với văn hóa, du lịch theo hướng bền vững, hướng đến các giá trị xanh, tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hoá xanh; đồng thời kết hợp lưu giữ những giá trị truyền thống về văn hóa, di tích lịch sử, ngành nghề truyền thống, lối sống của người dân địa phương.
Cây sen được trồng nhiều nhất là ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông và Thanh Bình.
Ông Nguyễn Trường An một nông dân ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười chuyển sang làm du lịch từ cánh đồng sen. Ông An cho biết trước đây trồng sen lấy gương lợi nhuận bấp bênh, từ khi chuyển 3 ha sen kết hợp làm du lịch sinh thái, tận dụng hạt sen, lá sen, hoa sen chế biến và bán sen tươi cho du khách tăng thêm lợi nhuận hơn so với bán gương, bán ngó.
Chị Hồ Thị Diễm Thúy, ở huyện Tháp Mười cho biết nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, chị đã nghiên cứu cách nấu sữa hạt sen để phát triển kinh tế.
Hiện mỗi ngày chị cho ra lò khoảng 1.300 chai sữa sen tươi, mang về lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Chị Thúy dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nghiên cứu thêm các sản phẩm chế biến sâu như sữa sen dạng bột.
Anh Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Huy Đồng Tháp ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành.
Hiện nay, hạt sen sấy đạt OCOP 5 sao của anh Hiệp được tiêu thụ khá lớn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, Thủ đô Hà Nội và có mặt các quốc gia Đông Nam Á, EU, Hàn Quốc.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có có 22 cơ sở, doanh nghiệp, sản xuất đa dạng các sản phẩm từ các bộ phận của cây sen như lá sen, hạt sen, hoa sen, củ sen, gương sen, thân sen và ngó sen.
Sen ở Đồng Tháp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Made in Dong Thap” cho 4 sản phẩm từ sen như trà củ sen, sữa sen bột, trà lá sen nhằm duy trì và nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng sản phẩm cũng như góp phần quảng bá hình ảnh sen Đồng Tháp.
Đồng Tháp còn phát triển vùng trồng sen ở huyện Tháp Mười với diện tích 152 ha làm khu du lịch, có 9 điểm du lịch sen thuộc 3 xã Mỹ Hòa, Trường Xuân và Tân Kiều; các điểm trồng sen làm du du lịch trải nghiệm.
Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Đồng Tháp phát triển ngành hàng sen với diện tích 1.400ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn.
Mở rộng sản xuất các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết xuất từ sen.
Tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh dự án thí điểm 100ha vùng trồng sen tại huyện Tháp Mười để có được giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất.
Phát triển thêm ít nhất 11 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, đến năm 2025 đạt 60 sản phẩm OCOP từ sen; trong đó có ít nhất 1 sản phẩm chiết xuất từ sen./.