Dự án trị giá 7 triệu đô la Mỹ kéo dài 4 năm sẽ được thực hiện bởi các nhóm Đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu của FAO và các nhóm Giám sát rừng quốc gia, với khoản đóng góp ban đầu là 2,3 triệu đô la Mỹ do Phần Lan cung cấp.
Thông qua quan hệ đối tác mới này, FAO và Phần Lan sẽ hợp tác để giúp các quốc gia sản xuất và phổ biến thông tin tốt hơn, từ đó góp phần đưa ra quyết định tốt hơn ở các cấp độ khác nhau.
“Sự hợp tác quan trọng này với Phần Lan sẽ giúp nâng cao năng lực giám sát rừng chính xác và sáng tạo. Với tiêu điểm tập trung vào việc trao quyền cho phụ nữ ở Châu Phi, dự án này sẽ mang chuyên môn và công cụ của chúng tôi đến những nơi họ cần nhất ”, FAO cho hay.
Vì một ngành lâm nghiệp bền vững và linh hoạt hơn
Rừng là nguồn cung cấp năng lượng, lương thực, thu nhập và cung cấp các dịch vụ quan trọng như giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên đất và nước. Hệ sinh thái rừng có tầm quan trọng thiết yếu đối với sinh kế nông thôn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Khoản đóng góp từ Phần Lan sẽ hỗ trợ các hoạt động xây dựng năng lực bao trùm và toàn diện cũng như khả năng tiếp cận bình đẳng với các sự kiện, công cụ và tài liệu đào tạo. Đặc biệt, các hoạt động nâng cao năng lực sẽ tập trung vào châu Phi, nhấn mạnh sự tham gia của phụ nữ. Nó cũng sẽ cho phép cung cấp các công cụ và kỹ thuật cho phép các quốc gia thu thập và phân tích thông tin cập nhật về tài nguyên rừng của họ cũng như báo cáo chúng lên các quy trình và công ước quốc gia và quốc tế một cách minh bạch và hàng năm.
Mục tiêu cuối cùng của dự án là hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu của Kế hoạch Chiến lược về rừng giai đoạn 2017-2030 của LHQ và các mục tiêu phát triển (SDGs) liên quan đến rừng. Cụ thể hơn, dự án sẽ giúp giảm thiểu mất rừng và suy thoái rừng bằng cách thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc quản lý và sử dụng rừng bền vững, mang lại những lợi ích lớn hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Dự án sẽ hỗ trợ Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow về Rừng và Sử dụng đất được công bố tại Hội nghị Khí hậu LHQ COP26 vào tháng 11/2021 mà Phần Lan là một bên ký kết. Được hơn 140 quốc gia chiếm hơn 90% diện tích rừng trên thế giới tán thành, Tuyên bố cam kết các bên sẽ hợp tác cùng nhau để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Tuyên bố được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới về rừng và Sử dụng đất và được coi là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống mất rừng nhiệt đới và biến đổi khí hậu.
Vai trò của FAO trong lĩnh vực lâm nghiệp
Đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu (FRA) của FAO là đánh giá có thẩm quyền và toàn diện nhất về rừng và ngành lâm nghiệp. Bản đánh giá mới nhất trong số các đánh giá này (FRA 2020) bao gồm các phân tích chi tiết về khu vực và toàn cầu cho 236 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan đa dạng: khu vực tư nhân và nhà nước, các tổ chức phi chính phủ (NGO), truyền thông, học viện,…
FRA dựa trên số liệu thống kê chính thức của quốc gia. Tuy nhiên, ở các nước kém phát triển hơn, dữ liệu đôi khi lỗi thời và được lấy từ các phương pháp luận không nhất quán. Sáng kiến Giám sát Rừng Quốc gia (NFM) của FAO hỗ trợ các quốc gia cung cấp thông tin chất lượng cập nhật về tài nguyên rừng ở hơn 50 quốc gia, trong đó một phần ba là ở châu Phi. Mục đích là phát triển các Hệ thống Giám sát Rừng Quốc gia hiện đại, minh bạch, đáng tin cậy và dễ tiếp cận, thông qua việc cung cấp các công cụ mã nguồn mở và miễn phí để thu thập dữ liệu tài nguyên rừng cập nhật và đáng tin cậy bằng cách sử dụng viễn thám và điều tra thực địa.
Một trong những công cụ quan trọng nhất trong NFM là FAO’s Open Foris Initiative, được khởi xướng vào năm 2009 với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Phần Lan. Nó cung cấp hàng hóa công kỹ thuật số mã nguồn mở, được sử dụng rộng rãi cho các ứng dụng giám sát rừng và đất. Trong những năm qua, Open Foris đã có hơn 30.000 người dùng tại 180 quốc gia và giúp các bên liên quan có được thông tin chi tiết hơn về rừng và tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả hơn./.