Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngày 24/12/2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Tổng cục Lâm nghiệp, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, hệ thống các vườn quốc gia, Trung tâm Khuyến nông một số tỉnh, thành phố và Đại học Lâm nghiệp tổ chức diễn đàn "Giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia".


Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay cả nước đã thành lập được 167 khu rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia Cúc Phương là đơn vị được thành lập đầu tiên năm 1962) với tổng diện tích 2.303.961 ha (bao gồm cả diện tích mặt nước, đất chưa có rừng xen kẽ) thuộc 54/63 tỉnh, thành phố, trong đó diện tích có rừng là 2.173.231 ha. Hệ thống quản lý các khu rừng đặc dụng được phân loại như sau: 34 Vườn Quốc gia; 56 Khu Dự trữ thiên nhiên; 14 Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh; 54 Khu Bảo vệ cảnh quan; và 09 Khu Rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Theo quy định tại Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và Luật Lâm nghiệp năm 2017, thì vùng đệm là vùng rừng, vùng đất, vùng mặt nước nằm sát ranh giới của khu rừng đặc dụng có tác dụng ngăn chặn, giảm nhẹ sự tác động tiêu cực đến khu rừng đặc dụng. Các chính sách hỗ trợ vùng đệm hiện nay tập trung vào tạo việc làm, thu nhập và hạ tầng cho thôn/bản/cộng đồng người dân sinh sinh tại vùng đệm (trong và ngoài) các khu rừng đặc dụng.

Hàng năm các Ban quản lý rừng đặc dụng tổ chức khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng vùng đệm từ ngân sách Trung ương với diện tích bình quân khoảng 500 ngàn ha, mức khoán cho hộ gia đình, cộng đồng căn cứ đối tượng, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Tổng số 74 ban quản lý rừng đặc dụng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, chiếm 45% tổng số ban QLR với tổng diện tích rừng năm trong lưu vực là 1,148 triệu ha, chiếm khoảng 48% về diện tích rừng đặc dụng, kinh phí chi trả khoảng 320 tỷ đồng, bình quân 292 ngàn đồng/ha. Phần lớn nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng được các Ban quản lý rừng sử dụng để khoán bảo vệ rừng đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng sinh sống tại vùng đệm.

Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng đệm, bảo vệ và phát triển diện tích rừng đặc dụng hiện có; bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình sống tại vùng đệm; góp phần bảo vệ rừng, củng cố an ninh-quốc phòng vùng sâu, xa, vùng biên giới; Góp phần cải thiện hạ tầng thôn/bản như: làm đường bê-tông, mương dẫn nước, điện thắp sáng, sửa chữa nhà văn hóa thôn... nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; đóng góp xây dựng nông thôn mới; Góp phần nâng cao nhận thức thức cộng đồng người dân về bảo vệ và phát triển rừng; quản lý sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; phát triển cộng đồng cũng như tạo sự gắn kết giữa cộng đồng, chính quyền địa phương và ban quản lý khu rừng đặc dụng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tại các khu vườn quốc gia, khu bảo tồn luôn là nơi qui tụ của nhiều hệ sinh thái, hệ thực vật, động vật và nguồn gen vật nuôi, cây trồng rất phong phú với khoảng 10.000 loài, trong đó có vài trăm loài cho gỗ, gần 3.000 loài cho lâm sản ngoài gỗ (LSNG). Đây cũng là nơi cư trú, sinh sống lâu đời của các dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa rất đa dạng, nhiều kinh nghiệm, kiến thức lâu đời có giá trị về khai thác, sử dụng, bảo tồn, phát triển LSNG. Trong những năm qua, Trung tâm khuyến nông Quốc gia cũng đã chú trọng đến công tác chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các lớp tập huấn, các diễn đàn, tọa đàm và các mô hình trình diễn về lâm sản ngoài gỗ.

Để phát triển lâm sản ngoài gỗ trong thời gian tới, theo Tổng cục Lâm nghiệp, cần tăng cường các biện pháp bảo vệ tại chỗ, đặc biệt là bảo vệ các quần thể và các loài lâm sản ngoài gỗ tại vùng đệm các khu bảo tồn và vườn quốc gia; Đẩy mạnh biện pháp bảo vệ các loài lâm sản ngoài gỗ đang bị đe doạ tuyệt chủng trong các vườn thực vật, các trung tâm cứu hộ; Quản lý và khai thác bền vững các loại lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên; Hình thành các vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ với quy mô hợp lý gắn với cơ sở chế biến lâm sản; Tập trung ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm dược liệu, chiết xuất tinh dầu và hoá chất có nguồn gốc tự nhiên; Khuyến khích các hoạt động tái tạo lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên, trồng cây lâm sản ngoài gỗ trong cơ cấu cây trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và vườn nhà; Khuyến khích phát triển các cơ sở gây nuôi sinh sản hoặc trồng cây nhân tạo các loài động vật, thực vật rừng được phép kinh doanh và có nhu cầu tiêu thụ trên thị trường quốc tế; Chú trọng phát triển cơ sở chế biến lâm sản ngoài gỗ vừa và nhỏ, làng nghề thủ công truyền thống có sử dụng nguyên liệu biến lâm sản ngoài gỗ.

T.Hiền



30215