Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngày 05/8/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đồng chủ trì Hội nghị. Hội nghị diễn ra bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Báo cáo tại Hội nghị của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho thấy, tính đến hết tháng 7 năm 2022, cả nước đã có 5.813/8.227 xã (70,7%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 803 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 300 xã so với cuối năm 2021) và 94 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 51 xã so với cuối năm 2021); có 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Phấn đấu cả nước có khoảng từ 17 đến 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Như vậy, so với giai đoạn 2016-2020, Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 bổ sung một số mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và cấp thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng thời, để cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu xây dựng nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 25, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 phù hợp điều kiện thực tế.

Chương trình thực hiện trên địa bàn 8.227 xã (bao gồm cả 1.458 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 659 đơn vị cấp huyện (bao gồm cả 74 huyện nghèo thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025.

Đối với cấp xã, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao và Quy định về xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Theo đó, giữ nguyên bố cục và nội hàm của Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 để áp dụng cho các xã phấn đấu đạt chuẩn trong giai đoạn 2021-2025, với số lượng 19 tiêu chí, bao gồm 57 chỉ tiêu (tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016-2020).

Quy định các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc huyện nghèo và huyện vừa thoát nghèo giai đoạn 2018-2020, mức đạt chuẩn NTM được áp dụng theo quy định đạt chuẩn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đây là điểm quy định mới để tháo gỡ các khó khăn cho một số địa phương trong giai đoạn 2016-2020.

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu báo cáo tham luận, đóng góp ý kiến để Chương trình được triển khai thuận lợi, giúp các địa phương khắc phục các khó khăn, vướng mắc, sớm hoàn thành các tiêu chí đã đề ra.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Lê Minh Hoan cho biết, xây dựng nông thôn mới là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia kỳ vọng góp phần chuyển đổi nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới, tiếp cận mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, xây dựng nông thôn mới, mỗi địa phương đều có những đặc trưng riêng. Sau khi khởi động chương trình, Bộ NN&PTNT đã chia nhỏ những vấn đề cần làm, đặc biệt ở những khu vực đặc thù để có tư vấn, hướng dẫn sâu thêm. Tại mỗi vùng, Bộ NN&PTNT sẽ có cách tiếp cận để địa phương dù khó khăn về hạ tầng nhưng có giá trị sinh thái, văn hóa cao nhằm kích hoạt được những giá trị văn hóa chứ không chỉ trông vào nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương tập trung quán triệt, nâng cao vai trò, nhận thức của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị về các chương trình mục tiêu quốc gia; sớm xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025; lựa chọn nội dung ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình. Hướng dẫn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện chương trình trên địa bàn, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, đảm bảo đúng quy định của pháp luật…

V.A (tổng hợp)



31006