Sự kiện Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL lần này có chủ đề “Festival tôm Cà Mau 2023 – Tự hào thương hiệu Việt”. Đây là sự kiện lớn trong năm được tỉnh Cà Mau, mang quy mô khu vực với nhiều hoạt động. Sự kiện được UBND tỉnh Cà Mau tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu ngành tôm Cà Mau, các sản phẩm OCOP của tỉnh đến du khách trong, ngoài nước; tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, sự kiện là cơ hội nhằm quảng bá mạnh mẽ thương hiệu Tôm Cà Mau và các sản phẩm OCOP của địa phương, khu vực đến du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển các ngành nghề; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm và liên kết hợp tác.
Tỉnh Cà Mau cũng mong muốn tạo điều kiện để các nhà đầu tư có cơ hội khảo sát, tiềm hiểu, nghiên cứu tham gia, phát triển sản xuất, kinh doanh tại Cà Mau; góp phần đưa thương hiệu Tôm Cà Mau và nhiều sản vật tiềm năng của Cà Mau và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL vươn ra thế giới, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,65 tỷ USD, đưa thuỷ sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, trong đó, giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực chính là con tôm.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận nỗ lực vượt khó của Cà Mau trong điều kiện kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều biến động, đưa GRDP 2023 tỉnh Cà Mau ước tăng gần 8% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước. Đặc biệt con tôm Cà Mau xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những loại hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm – lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.
Phó Thủ tướng biểu dương chương trình trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, cả nước đã có gần 9.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng ĐBSCL đã có trên 1.300 sản phẩm.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề cập đến những khó khăn nội tại của ngành nông nghiệp nói chung và thuỷ sản nói riêng, đặc biệt là ngành hàng tôm vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là giống, vật tư đầu vào; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế phát thải khí nhà kính…
"Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, trước hết là xây dựng cho được chuỗi giá trị và lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau và của vùng ĐBSCL”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Festival, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp đã tổ chức Không gian trưng bày sản phẩm OCOP Việt Nam và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Liên kết cùng phát triển – Cà Mau 2023”. Hoạt động này nhằm giới thiệu, quảng bá và tôn vinh sản phẩm OCOP của Việt Nam và các sản phẩm tham gia Hội thi “Sản phẩm OCOP tiêu biểu”, từng bước góp phần đẩy mạnh kết nối, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP giữa các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với các khu vực khác trong cả nước.
Với trên 400 m2 sàn trưng bày, Không gian đã và sẽ giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu trên toàn quốc được đánh giá 3 sao trở lên, tôn vinh các sản phẩm tham gia và đạt giải Hội thi “Sản phẩm OCOP tiêu biểu” cũng như tổ chức các sự kiện kết nối, truyền thông quảng bá, thao diễn nghề.
Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 20 tỉnh, thành và hơn 30 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Lai Châu, Hà Giang, Ninh Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Gia Lai, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, An Giang, Đắk Lắk, Long An, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh…
Theo Ban tổ chức, không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Việt Nam được thiết kế, dàn dựng ấn tượng bằng cách sử dụng phần lớn các vật liệu thân thiện với môi trường, kết hợp với sản phẩm trang trí nhằm tạo không gian đặc sắc, phù hợp với chủ đề của Diễn đàn, mang đặc trưng văn hóa và cảnh quan môi trường của vùng ĐBSCL và tỉnh Cà Mau, góp phần tạo cảm hứng cho du khách thăm quan, trải nghiệm sản phẩm. Đồng thời, gửi thông điệp phát triển nền nông nghiệp bền vững, sinh thái hướng tới bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.
Trong khuôn khổ hoạt động của Không gian, Ban tổ chức triển khai nhiều chương trình phong phú, đa dạng gồm có: hoạt động thao diễn nghề và nếm thử sản phẩm với sự tham dự của nhiều nghệ nhân thao diễn, trình diễn, giới thiệu cách thức sản xuất một số sản phẩm tiêu biểu. Đặc biệt, tổ chức chương trình Livestream quảng bá, bán sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok Shop, tổ chức phiên Livestream để quảng bá và bán sản phẩm OCOP, trong đó tập trung vào các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Cà Mau, và các địa phương tham gia khu Không gian trưng bày dự kiến diễn ra từ 09h00 - 12h00 ngày 11/12/2023.