Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có những bước chuyển biến tích cực và đạt một số kết quả nhất định. Tỷ lệ người dân sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng tăng; Đối với sản phẩm dược liệu, lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên và thâm canh, hầu như các sản phẩm đều theo hướng hữu cơ; 100% các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ đáp ứng tiêu chí truy xuất nguồn gốc và liên kết sản xuất, tiêu thụ.


Ảnh minh họa

Sau 03 năm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả sau:

Về trồng trọt, bước đầu mở rộng và hình thành mới các vùng sản xuất trồng trọt hữu cơ, diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ ngày càng tăng so với tổng diện tích gieo trồng với một số cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh; Một số vùng sản xuất theo hướng hữu cơ đã được hình thành và phát triển như vùng lúa canh tác theo hướng hữu cơ (Đăk Hà, Sa Thầy, thành phố Kon Tum...); Vùng rau sản xuất theo hướng hữu cơ (KonPlông, định hướng phát triển thời gian tới tại thành phố Kon Tum); Vùng cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ (KonPlông, Đăk Hà...); Vùng cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ (Đăk Hà, KonPlông, thành phố Kon Tum, Đăk Glei,...; Các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh đã dần theo xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường: VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP, UTZ, Fairtrade Certificate... đến nay diện tích áp dụng theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đạt gần 800 ha. Một số mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ đã được triển khai thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Về chăn nuôi và thủy sản, ngành chăn nuôi của tỉnh Kon Tum từng bước được phát triển theo hướng chăn nuôi hàng hoá, trang trại, tập trung và đã hình thành một số mô hình chăn nuôi liên kết có hiệu quả kinh tế cao. Tỷ trọng ngành chăn nuôi có xu hướng tăng trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn tỉnh Kon Tum mặc dù đã được quan tâm và phát triển, tuy nhiên hiện tại mới chỉ có ở quy mô nhỏ lẻ, mô hình, đa số chỉmới dừng lại ở việc sản xuất theo hướng hữu cơ, chưa được chứng nhận chất lượng sản phẩm; Hiện nay đã có một số mô hình chăn nuôi áp dụng một phần theo hình thức chăn nuôi hữu cơ mang lại hiệu quả cao. Từng bước xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm cá nước ngọt, các loài thủy sản bản địa... Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ gắn với thị trường trong nước, xuất khẩu. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng lồng bè, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, khai thác và đánh bắt được trên lòng hồ thủy điện, với các đối tượng nuôi chủ yếu, như cá lăng, ếch, cá lóc, cá thát lát, diêu hồng,...

Về phát triển dược liệu, diện tích cây dược liệu sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 3.904,4 ha (trong đó sâm Ngọc Linh 1.240,7 ha, các dược liệu khác 2.663,7 ha) Các doanh nghiệp, hộ gia đình trồng và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đều áp dụng mô hình liên kết trồng sâm Ngọc Linh theo hướng hữu cơ với người dân tại chỗ, gắn kết mô hình liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng trồng sâm Ngọc Linh; Một số loại cây dược liệu hữu cơ như Hồng Đẳng sâm, đương quy, nghệ vàng, gừng, ngũ vị tử, giảo cổ lam, lan kim tuyến, bo bo... phát triển tốt. Sản lượng các loại dược liệu chủ yếu sấy khô, tiêu thụ chủ yếu thông qua mạng lưới thương lái, một phần được các doanh nghiệp chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh thu mua như: Công ty TNHH Thái Hòa Kon Tum, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Công ty chế biến nước sâm dây Ngọc Linh huyện Đăk Glei. để chế biến thành các sản phẩm dưới dạng nước chiết tinh chất, trà khô, trà hòa tan, nước uống.

Áp dụng khoa học và công nghệ, một số đề tài, nhiệm vụ trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ được Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang triển khai thực hiện, cụ thể: Dự án “Xây dựng mô hình nhân giống, trồng và sơ chế gấc (Momordica cochinchinensis (Lour) Spreng) theo tiêu chuẩn GACP-WHO trên địa bàn tỉnh KonTum”; Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng giải pháp sinh học trong phòng chống sinh vật hại phục vụ sản xuất một số loại cây trồng hàng năm chủ lực theo hướng hữu cơ, an toàn và bền vững tại tỉnh Kon Tum”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình liên kết sản xuất nguyên liệu đảng sâm và khổ qua rừng theo tiêu chuẩn GACP-WHO và chế biến sản phẩm đạt chuẩn ISO 2000”./

T.H



32430