Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Năm 2016, tổng diện tích cà phê tại Lâm Đồng đạt khoảng 158,944 ha. Trong đó, cà phê vối chiếm 88%, cà phê chè chiếm khoảng 11% còn lại là cà phê mít chiếm 1%. Diện tích cà phê chủ yếu tập trung ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Bảo Lộc, Đà Lạt... Với những lợi thế sẵn có ngành sản xuất cà phê của tỉnh cần những bước chuyển nhanh sang hướng sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ, 4C…. chất lượng cao để phát huy tiềm năng lợi thế.



Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, trong những năm qua, đã hình thành các vùng sản xuất cà phê chất lượng cao, sản xuất cà phê bền vững như vùng Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng... Đặc biệt Lâm Đồng có tiểu vùng khí hậu thích hợp để phát triển cà phê chè cao cấp, hữu cơ và chất lượng cao (Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Đơn Dương… với diện tích cây cà phê chè khoảng 17.100,6 ha, diện tích kinh doanh 16.333,5 ha) đây là lợi thế để Lâm Đồng mở rộng diện tích cà phê chè, nâng cao chất lượng cà phê, tăng giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Giống cà phê chủ yếu tại Lâm Đồng là Robusta chiếm khoảng trên 88%. Thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã đưa các dòng cà phê cao sản vô tính TR4, TR9, TR11… vào ứng dụng nhằm cải tạo chất lượng giống thông qua các biện pháp kỹ thuật ghép cải tạo, thay thế… Tuy nhiên, diện tích ứng dụng còn hạn chế (khoảng 24.703 ha). Cà phê chè (Arabica) chiếm khoảng 11%. trong thời gian qua tỉnh đã có chính sách hỗ trợ về cây giống cà phê Catimor để trồng mới, tái canh cho nông dân.

Trong những năm qua, nhờ sự tập trung chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, các đơn vị sự nghiệp nông nghiệp và các cơ quan khoa học nên nhìn chung đại đa số nông dân trồng cà phê đã tiếp cận được kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê bền vững cải tạo và bồi dưỡng đất, bón phân cân đối đầy đủ, tưới nước tiết kiệm giữ ẩm cho cây, trồng cây che bóng chắn gió, các biện pháp chống xói mòn… Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã giới thiệu mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất cà phê bền vững được nông dân thực hiện sản xuất theo quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê chè theo Bộ nguyên tắc UTZ và 4C cho cà phê. Công ty TNHH thương phẩm ALANTIC Việt Nam và Công ty TNHH Hải Phương Nam được lựa chọn cấp giấy chứng nhận Cà phê UTZ và 4C và bao tiêu sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận. Địa điểm thực hiện tại thị trấn Nam Ban, xã Mê Linh, Đông Thanh, Hoài Đức - huyện Lâm Hà và xã Xuân Trường – Lâm Đồng với quy mô 90 ha/192 hộ tham gia.

Qua theo dõi các nông hộ tham gia mô hình sản xuất cà phê chè bền vững theo tiêu chuẩn UTZ và 4C thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, kết hợp với những kinh nghiệm bản thân trong sản xuất, các nông hộ thực hiện mô hình đã tiếp thu và thực hiện tốt kỹ thuật sản xuất và phê theo các tiêu chuẩn UTZ và 4C đồng thời có ghi chép nhật ký mô hình đầy đủ từ nhật ký chăm sóc, phân bón, thuốc BVTV, thu hái, bảo quản sau thu hoạch…. Việc áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững vào sản xuất cà phê chè đã giúp bà con nông dân dần thay đổi tập quán trồng, chăm sóc và thâm canh trong sản xuất cà phê.

Qua thực tế theo dõi vườn cà phê và kết quả cho thấy, việc thâm canh cà phê áp dụng theo quy trình sản xuất cà phê bền vững đã làm tăng năng suất, chất lượng cà phê và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trồng cà phê, cụ thể năng suất bình quân đạt khoảng: 3,5 – 4,0 tấn nhân khô/ha/năm, tăng hơn so với các vườn cà phê không thực hiện theo quy trình sản xuất cà phê bền vững (năng suất bình quân đạt khoảng: 2,6 – 3,2 tấn nhân khô/ha/năm) tăng 8 - 9 tạ nhân khô/ha/năm.

Giá cà phê những vườn tham gia mô hình được Công ty TNHH thương phẩm ALANTIC Việt Nam và Công ty TNHH Hải Phương Nam thu mua với giá được cộng thưởng tăng thêm 400 - 600đ/kg nhân khô đối với các hộ được cấp giấy chứng nhận UTZ và 4C. Nông dân tiết kiệm chi phí đầu vào và được cộng thưởng tăng giá của công ty thu mua. Sản phẩm cà phê có nơi tiêu thụ ổn định, nông dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm.

Việc thâm canh cà phê áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững đã giúp bà con nông dân dần dần thay đổi tập quán trồng, chăm sóc và thâm canh trong sản xuất cà phê. Bà con nông dân trồng cà phê trong khu vực đánh giá cao về tính thiết thực cũng như năng suất và hiệu quả kinh tế của mô hình.

Hiện nay, mô hình đã tác động mạnh mẽ đến các hộ nông dân sản xuất trên địa bàn thực hiện mô hình và các xã trồng cà phê lân cận trong khu vực, nhiều hộ dân đã tự nguyện đăng ký tham gia sản xuất cà phê được cấp giấy chứng nhận với các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn đã đăng ký tham gia hiệp hội UTZ, 4C và các tổ chức cấp giấy chứng nhận khác. Qua điều tra theo dõi, hiện có khoảng 18.596 đối tác nông dân tham gia các tổ chức cấp giấy chứng nhận với diện tích lên tới 40.922 ha (chiếm khoảng 25% trên tổng diện tích cà phê toàn tỉnh). Riêng đối với Công Ty TNHH Hải Phương Nam tại thời điểm tham gia các mô hình trình diễn với Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Lâm Đồng, có 726 nông dân tham gia với 1.364 ha, sản lượng đạt 5.022 tấn, năng suất trung bình 3,68 tấn/ha/năm. Đến thời điểm hiện tại, Công Ty TNHH Hải Phương Nam phát triển: 1.698 nông hộ với 4.858 ha, sản lượng: 18.641 tấn, năng suất bình quân: 3,83 tấn/ha/năm. 100% các nông hộ được cấp chứng nhận 4C, trong đó có 327 nông hộ vừa cấp chứng nhận 4C vừa cấp chứng nhận UTZ./.

T.Hiền



25264