Khi nhu cầu tiêu thụ ngô tăng lên, nhu cầu về sản xuất bền vững và an toàn cũng tăng theo, tuy nhiên, nhiều yếu tố gây căng thẳng sinh học và phi sinh học đang đe dọa loại cây trồng chủ lực này trong khu vực.
Các nhà khoa học từ Viện Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế và Đại học Obafemi Awolowo ở Nigeria đã tiến hành một nghiên cứu để chống lại những mối đe dọa này. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Plant Diseases đã đưa ra một chiến lược đầy hứa hẹn trong việc bảo vệ an ninh lương thực và an toàn cho cây ngô ở châu Phi cận Sahara.
Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu tìm ra các giống ngô có thể chống lại nhiều loại bệnh, điều này sẽ mang lại lợi ích cho nông dân sản xuất nhỏ và tăng sản lượng ngô chất lượng cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sử dụng các phương pháp phòng thí nghiệm nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, các nhà nghiên cứu đã sàng lọc hơn 100 kiểu gien ngô có khả năng kháng các bệnh trên lá và nhiễm aflatoxin -- tìm thấy 7 dòng ngô chín sớm (EM) và 6 dòng ngô lai cực sớm (EEM) có khả năng kháng vượt trội đối với ba tác nhân gây bệnh chính, cộng với 10 dòng lai có sức đề kháng cũng đã làm giảm đáng kể tích tụ aflatoxin.
Các dòng lai EM và EEM có khả năng kháng nhiều bệnh (MDR) được phát hiện trong nghiên cứu này đang được thử nghiệm rộng rãi trong các tổ hợp lai. Các giống lai có đặc tính nông học tốt, năng suất cao và MDR sẽ được đưa ra thương mại hóa. Nông dân có thể tin tưởng sử dụng các giống ngô lai để có năng suất cao hơn, an toàn hơn.
Tác giả của nghiên cứu nhận xét: “Cả mầm ngô EM và EEM đều chưa được khai thác như là nguồn kháng bệnh tiềm năng. Kết quả của nghiên cứu chứng minh rằng những kiểu gien này có thể góp phần đáng kể vào các chương trình nhân giống để giải quyết nhiều vấn đề dịch bệnh, mang lại lợi ích cho các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới".
Theo các tác giả, việc sử dụng quy mô lớn các kiểu gien ở cây ngô có khả năng làm tăng năng suất và sản lượng ngô an toàn cộng với giảm tổn thất do ô nhiễm aflatoxin - cuối cùng góp phần vào sức khỏe và sinh kế của người dân khu vực châu Phi cận Sahara./.