Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tin vui đến từ vùng sản xuất hành, tỏi xã An Tân (Thái Thụy), địa phương này đã liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Thái Bình trồng và đưa tỏi - một trong những cây trồng chủ lực ở vụ đông của địa phương xuất khẩu sang Mỹ.


Vụ đông năm 2023, ông Lê Tất Lộng, thôn An Cố Bắc, xã An Tân (Thái Thụy) trồng 1,2 mẫu hành, tỏi.

Nhiều năm qua, hành, tỏi đã trở thành cây trồng chủ lực trong vụ đông của người dân huyện Thái Thụy, trong đó có xã An Tân. Nhưng cây trồng này đã không ít phen lận đận, lao đao vì sự cạnh tranh của hành, tỏi Trung Quốc ngay cả ở thị trường trong nước. Đưa cây tỏi xuất ngoại là hướng đi mới đem lại nhiều hy vọng cho nông dân nơi đây.

Trồng 1,2 mẫu hành, tỏi, vụ đông năm 2022, ông Lê Tất Lộng, thôn An Cố Bắc, xã An Tân thu về trên 100 triệu đồng. Ông Lộng cho biết: Vụ hành, tỏi năm 2022, hành được giá nhưng tỏi lại rẻ. Được sự hỗ trợ của công ty, HTX, tôi trồng 2 sào tỏi cân bán cho HTX. Là tỏi xuất khẩu nên yêu cầu về chất lượng cao, tôi được công ty, HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng, trong đó sử dụng hoàn toàn phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đưa cây tỏi xuất khẩu đã và đang mang đến hy vọng giúp nông dân chúng tôi tiếp tục gắn bó và phấn đấu làm giàu từ cây trồng này.

Điều kiện thổ nhưỡng của xã An Tân là đất phù sa non pha cát, thềm ruộng cao, thoát nước nhanh nên thuận lợi cho trồng hành, tỏi. Đưa hành, tỏi xuất ngoại là hướng đi phù hợp giúp nâng giá trị cây trồng này. Thế nhưng, để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, nông dân phải gỡ được nút thắt về chất lượng và nguồn cung ổn định cho doanh nghiệp.

Ông Mai Đức Nhường, Giám đốc HTX SXKD DVNN Thụy An, xã An Tân cho biết: Mỗi năm, thành viên của HTX trồng từ 140 - 180ha hành, tỏi. Năm nay, tổng diện tích cây vụ đông của HTX đạt 264ha, trong đó gần 150ha hành, tỏi. Cùng với kinh nghiệm thâm canh của người dân nên diện tích và năng suất hành, tỏi của An Tân luôn đứng đầu huyện. Để nâng cao giá trị cây hành, tỏi, cùng với việc tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2022, HTX quy vùng 10ha trồng tỏi, liên kết tiêu thụ với Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Thái Bình. Tham gia liên kết sản xuất, Công ty hỗ trợ kỹ thuật và một phần phân bón cho nông dân. Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, trong quá trình trồng và chăm sóc, nông dân phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, sử dụng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học trong phòng, trừ sâu bệnh. Năm ngoái, đơn hàng đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ với gần 15 tấn tỏi thành phẩm. Năm nay, do thời tiết ít mưa, dự kiến năng suất hành, tỏi giảm so với mọi năm, tuy nhiên giá bán cao hơn trung bình nhiều năm.

Tỏi An Tân có vị thơm, cay đặc trưng, đặc biệt lượng tinh dầu nhiều. Việc liên kết sản xuất giúp nâng cao giá trị nông sản từ 20 - 30% so với sản xuất thông thường.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Thái Bình cho biết: Vụ đông năm 2022, chúng tôi liên kết với HTX thu mua trên 100 tấn tỏi cho nông dân, trong đó xuất khẩu sang Mỹ được gần 15 tấn tỏi thành phẩm. Dự kiến vụ đông năm 2023, Công ty sẽ thu mua khoảng 200 tấn tỏi. Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm mở rộng thị trường, phấn đấu nâng sản lượng và chủng loại để không chỉ có cây tỏi mà xuất khẩu cả hành, ớt, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Để người dân yên tâm hợp tác với Công ty, ngoài tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một phần phân bón, chúng tôi cam kết mức giá tối thiểu thu mua, đồng thời giá thu mua sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường tại thời điểm mua.

Đưa cây tỏi xuất ngoại không chỉ giúp tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản xuất mà còn giúp nông dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, bắt nhịp với sản xuất hàng hóa an toàn, bền vững.

Báo Thái Bình



32693