Skip Ribbon Commands
Skip to main content

(Mard-02/04/2010) - Trong nghề nuôi tôm thì bệnh dịch luôn là rủi ro và gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Trong đó, bệnh đốm trắng là một trong những bệnh hay gặp và có tỷ lệ chết cao, thời gian chết nhanh. Tuy nhiên, để giảm bớt những thiệt hại do bệnh gây ra thì cần phải có một kiến thức cơ bản về bệnh như hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng cũng như có chiến lược phòng ngừa và chữa trị khoa học dựa trên những tiến bộ khoa học. Để giúp người nuôi hiểu rõ hơn về bệnh đốm trắng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Kỹ sư Trương Thị Lệ Thủy, Trung tâm Thủy sản Long An.



PV: Thưa kỹ sư, hiện tại nhiều nơi nuôi tôm trên cả nước dịch bệnh đã xảy ra khá nghiêm trọng. Trong đó, Long An với diện tích thiệt hại chiếm vị trí cao so với các tỉnh khác. Tỉnh cũng đã có những chỉ đạo để giúp người dân kịp thời dập dịch và ổn định lại sản xuất. Xét về lâu dài, để tránh những thiệt hại do dịch bệnh đốm trắng gây ra, trước hết cần trang bị cho người dân kiến thức cơ bản về bệnh đốm trắng này. Xin kỹ sư cho biết đối với bệnh đốm trắng thì nguyên nhân do đâu, cách truyền bệnh như thế nào và ở giai đoạn nào thì tôm dễ mắc bệnh nhất?
Trước hết chúng ta nên biết, bệnh đốm trắng được phát hiện từ năm 1993, là loại dịch bệnh nguy hiểm, gây rủi ro nhất cho người nuôi tôm sú từ trước đến nay. Bệnh do một loài virus có tên là Virut gây hội chứng đốm trắng (tên tiếng Anh là white spot syndrome virus). Khi xâm nhập vào tôm, virut sẽ cư trú ở nhiều bộ phận của tôm như mô dạ dày, mang, trứng, mắt, chân bơi, … Các virus này sẽ sinh sản rất nhanh làm tôm nhiễm bệnh nặng và sau đó tiếp tục phát tán ra môi trường bên ngoài gây bệnh cho cả đàn tôm có trong ao. Từ những thông tin trên, chúng ta thấy mức độ nguy hiểm của bệnh đốm trắng là rất cao.
Về các đường truyền bệnh, người nuôi cần lưu ý: đối với bệnh này thì khả năng lây lan rộng. Thứ nhất, bệnh có thể đi từ tôm bố mẹ sang tôm con. nghĩa là đàn tôm bố mẹ bị nhiễm đốm trắng thì chắc chắn đàn tôm con sẽ bị đốm trắng. Thứ hai, bệnh đi từ các loài giáp xác hoang dại như cua, còng, tôm, tép, … sang tôm nuôi. Thứ ba, bệnh đi từ nguồn nước cấp vào ao bị nhiễm đốm trắng. Bởi vì virus đốm trắng này có khả năng sống và tồn tại trong khoảng dao động về các yếu tố môi trường lớn như độ mặn từ 5-40 phần ngàn, độ pH từ 4-10, có khả năng chịu đựng được ở nhiệt độ từ 0 độ C và chỉ chết khi nhiệt độ lên đến 80 độ C. Do đó, khả năng tồn tại của virus đốm trắng trong môi trường nước rất cao. Thứ tư, bệnh đi từ các dụng cụ dùng chung như vó, chài, lưới, ống bơm nước, … Do đó, muốn đảm bảo an toàn thì nên sát trùng dụng cụ này bằng Chlorine 30 ml/m3 trước khi sử dụng. Thứ năm, trong quá trình lột xác thì tôm khỏe ăn tôm bệnh thì cũng làm tôm khỏe mắc bệnh.
Về thời gian nuôi mà bệnh xuất hiện: bệnh đốm trắng xảy ra ở tất cả các giai đoạn nhưng chủ yếu nhất ở giai đoạn từ 20-60 ngày tuổi.
PV: Vậy thưa kỹ sư, làm thế nào để phát hiện sớm bệnh đốm trắng?
Nếu như không có sự can thiệp của các nhà chuyên môn và kỹ thuật PCR (tức là kỹ thuật test các bệnh truyền nhiễm như đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi mà vẫn đang được sử dụng rộng rãi), việc người nuôi tôm phát hiện đàn tôm bị lây nhiễm bệnh đốm trắng bằng các triệu chứng thông thường của nó bao giờ cũng ở thời điểm đã quá trễ để có thể cứu vãn thiệt hại và hạn chế tôm chết.
Triệu chứng chung thường gặp rõ ràng nhất của đàn tôm bị mắc bệnh đốm trắng đó là tôm ăn nhiều đột ngột, sau đó ngơi dần. Tôm có thể bị bệnh đen mang hoặc cụt râu, sau đó xuất hiện vài con nổi đầu dọc bờ ao, số lượng tăng dần, có thể có những con mà phần vỏ đầu ngực hoặc đốt cuối có đốm trắng đường kính 1-3mm. Thân tôm đôi khi chuyển màu đỏ. Bệnh bùng phát trong vòng 3-7 ngày, tỉ lệ chết rất cao.
Tuy nhiên, không phải tôm có đốm trắng nào cũng do virus gây ra mà có thể tôm bị đốm trắng do lượng vôi trong ao quá lớn hay do vi khuẩn gây ra. Cách phân biệt đối với đốm trắng do lượng vôi trong ao quá lớn, người nuôi lưu ý là tôm có đốm trắng ở vỏ đầu ngực, không có tôm tấp bờ, đàn tôm vẫn ăn đều ở mức bình thường, pH nước cao nhiều ngày, buổi sáng có thể trên 8,3. Đối với đốm trắng do vi khuẩn thì tôm vào bờ rất nhiều, một số bị chết, hầu hết bị đóng rong, mang bị bẩn. Có đốm trắng trên vỏ đầu ngực, tôm trong nhá ăn bình thường. Nhìn chung tôm có ăn chậm hơn nhưng không đáng kể.
PV: Theo như kỹ sư đã phát biểu thì khi phát hiện ra đàn tôm mình đang có biểu hiện của triệu chứng bệnh đốm trắng, người dân đừng nên hốt hoảng, cần xác định rõ đàn tôm đang ở trong tình trạng nào để có phương án xử lý tối ưu, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Vậy kỹ sư cho biết chiến lược trong công tác phòng ngừa và trị bệnh đốm trắng trên tôm sẽ như thế nào?
Đối với bệnh đốm trắng trên tôm thì không có thuốc đặc trị hiệu quả. Do đó, việc phòng bệnh là tối cần thiết cho người nuôi tôm.
Để phòng bệnh hiệu quả, bà con cần lưu ý:
Trước hết, người dân cần tiêu diệt và ngăn chặn sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh vào ao như: Tẩy dọn ao theo đúng quy trình kỹ thuật để diệt hết mầm bệnh. Chọn và lọc đàn tôm không mang mầm bệnh để thả nuôi. Không lấy nước trực tiếp từ nguồn vào ao mà phải qua ao lắng có xử lý nước trước đó. Kế đó, nên duy trì sức khỏe của đàn tôm nuôi bằng chế độ cho ăn và chăm sóc hợp lý (chú ý bổ sung khoáng chất, khoáng vi lượng và các loại vitamin cần thiết). Cuối cùng, bà con quản lý và theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường nước ao nuôi như nhiệt độ, pH, độ kiềm, màu nước, độ mặn, NH3, sự ô nhiễm nền đáy ao, … bằng cách xử lý 15 ngày một lần, từ ngày thứ 30 sau khi thả tôm giống cho đến 10 ngày trước khi thu hoạch.
Mỗi lần xử lý thực hiện như sau:
- Ngày đầu: dùng Forrmalin (10 lít/1000m3) hoặc Iodine (1-2 lít/1000m3) hòa loãng và tạt đều khắp ao vào buổi sáng.
- Ngày thứ hai: bón men vi sinh để thúc đẩy sự phân giải chất hữu cơ nền đáy
- Ngày thứ ba: bón Zeolite (20kg/1000m2) để hấp thụ sản phẩm phân giải và ổn định pH nước ao.
Nếu đảm bảo các yêu cầu trên thì mức độ rủi ro bị nhiễm bệnh sẽ giảm đáng kể.
PV: Câu hỏi cuối cùng xin kỹ sư cho biết trước tình hình đốm trắng xảy ra trên tôm như hiện nay, lời khuyên nào cho người nuôi tôm ở khu vực tỉnh Long An khi phát hiện tôm bị đốm trắng?
Hiện nay tỉnh đã thành lập tổ tư vấn kỹ thuật nuôi tôm đặt tại Trạm khuyến ngư vùng Hạ. Do đó, khi phát hiện tôm bị đốm trắng người nuôi nên điện thoại báo ngay cho UBND xã và Trạm Thú y hoặc Trạm khuyến ngư vùng Hạ (Điện thoại số: 072 3712237) để được tư vấn và hướng dẫn xử lý nhằm hạn chế mức độ lây lan trên diện rộng.
Văn Dũng - Lệ Thuỷ



14903