Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bên cạnh những vai trò đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó phát triển xanh đang là yêu cầu cấp thiết và được ưu tiên hàng đầu.


Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phát biểu tại chương trình

Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp hóa chất lần thứ 20 - VINACHEM EXPO 2024, chiều 27/11 đã diễn ra 2 hội thảo về chuyên ngành hóa chất Việt Nam và chuyên ngành thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp do có mức độ tự động hoá khá cao.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hiện sở hữu mạng lưới sản xuất, kinh doanh rộng khắp cả nước, hoạt động đa lĩnh vực trong ngành công nghiệp hóa chất, mang về doanh thu hàng năm hơn 2,5 tỷ USD, chiếm thị phần lớn tại một số lĩnh vực trong nước như phân bón chiếm tới 40% và đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp hóa chất, ông Dũng cho hay, trong thời gian vừa qua, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, chú trọng sản xuất xanh và tăng trưởng xanh đã được Vinachem chủ động triển khai, tiêu biểu như: Đẩy mạnh triển khai Chương trình Quốc gia về tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy nghiên cứu, thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính (CO2), các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, tài nguyên và xử lý, tái chế chất thải; xây dựng chính sách môi trường nội bộ thông qua khuyến khích, sáng kiến cải tiến, ưu tiên nghiên cứu khoa học, đầu tư, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian tới, Vinachem sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc thực hiện các nguyên tắc kinh tế xanh, không ngừng đổi mới và sáng tạo để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng và phát triển xanh trong kỷ nguyên mới gồm: triển khai chương trình phát triển sản phẩm mới phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam; sản xuất các loại phân bón chất lượng cao, có khả năng cung cấp dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng; triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi xanh trong toàn Tập đoàn, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường…

"Chúng tôi sẽ triển khai kịp thời, hiệu quả chủ trương, chính sách và định hướng quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; hỗ trợ, tạo điều kiện và thúc đẩy các đơn vị thành viên Tập đoàn đảm bảo nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu số; ứng dụng, phát triển mô hình sản xuất kinh doanh mới gắn liền với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững", ông Dũng bày tỏ.

Khu gian hàng của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm lớn từ các đối tác trong nước và quốc tế

Về chuyên ngành thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tại Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Việt Nam có nhu cầu sử dụng trên dưới 10 triệu tấn phân bón và gần 50 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật. Do năng lực sản xuất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trên, nên hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trên 4 triệu tấn phân bón và hơn 100 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, với tổng giá trị hơn 2,3 tỷ USD.

Do đó, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ NN-PTNT đang hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải.

Trong những năm qua, Bộ đã phối hợp các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đến nay đã có khoảng 15% lượng phân bón sử dụng đã chuyển đổi sang hữu cơ; hơn 13% sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam là thuốc sinh học, đem lại lợi ích to lớn cho môi trường và sức khỏe con người.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp thì việc quản lý buôn bán, xuất nhập khẩu, sản xuất và sử dụng vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là một trong những tiêu chí quan trọng để góp phần khẳng định nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm và bền vững.

"Bộ NN-PTNT cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các ý kiến phản hồi và chia sẻ các quy định trong lĩnh vực quản lý nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp các bên tuân thủ đúng các quy định, thuận lợi trong hợp tác, kinh doanh, buôn bán vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Về chuyên ngành hóa chất, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Chiến lược đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, xây dựng ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược, phân bón...

Ông Hoàng Quốc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương, mục tiêu cụ thể của chiến lược đặt ra phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10-11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4-5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7-8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4-5%.

Chiến lược cũng đưa ra những giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp mang tính đột phá, như: Hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic, có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường, phát triển bền vững; xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi).

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận các nội dung về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp hóa chất. Đồng thời, các đại biểu cũng nhận định, triển lãm VINACHEM EXPO 2024 là cơ hội giúp các doanh nghiệp trong nước tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu từ sản xuất kinh doanh truyền thống sang phát triển kinh tế ngành đạt hiệu quả, bền vững, đa dạng, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

(BBT)



33417