Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, biện pháp kỹ thuật, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ban ngành chuyên môn, địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.


Ảnh minh họa

Tại Vĩnh Phúc, các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp. Ngoài ra, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Giai đoạn 2015 - 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng trên 14 nghìn công trình xử lý chất thải bằng bể biogas; hỗ trợ đệm lót sinh học để xử lý chất thải cho 6 nghìn hộ chăn nuôi gà; hỗ trợ máy ép phân, bể trước và sau biogas. Đến nay, tỷ lệ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quan tâm xây dựng hầm biogas, công trình sau biogas chiếm khoảng 70%. Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả cao trên các lĩnh vực như kinh tế, môi trường, xã hội. Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường.

Việc ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất chăn nuôi cũng được tỉnh Vĩnh Phúc rất quan tâm. Thông qua việc hỗ trợ chế phẩm sinh học cho 21,5 triệu con gà, 350 nghìn con lợn, 5.000 con bò sữa và 2.800 con bò thịt với tổng số chế phẩm sinh học là 267.100 kg đã xây dựng được các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, không chất thải như chăn nuôi bò, lợn, gà trên nền đệm lót sinh học giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Đồng thời, thông qua chương trình hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học đã nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất về giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; khuyến khích, giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác xử lý chất thải chăn nuôi góp phần phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững và thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Vĩnh Phúc./

T.H



32380